Xuất khẩu nhựa - Nhiều tiềm năng


Theo kế hoạch đề ra cho mặt hàng này là 480 triệu USD, nhiều ý kiến đã cho rằng, nên đặt ra chỉ tiêu khoảng 650 triệu USD, tăng 36% so với năm 2006 để phấn đấu. Tuy nhiên, đến nay với kim ngạch XK đạt 700 triệu USD, tăng 45,8% so với năm 2006, mặt hàng nhựa đã về đích sớm và đứng thứ 4 trong số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh (sau cơ khí, hạt tiêu và cà phê).

Mặc dù hiện tại, quy mô XK của mặt hàng này ở mức trung bình (đạt khoảng 750 triệu USD năm 2007) nhưng đã và đang cho thấy những yếu tố tiềm năng để có thể gia tăng được quy mô trong thời gian tới. Cụ thể, đây là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng XK nhanh nhất của Việt Nam trong thời gian qua, (luôn trên 30%) với thị trường còn hết sức rộng lớn và không quá khó để thâm nhập. 

Theo thống kê và đánh giá của Comtrade (cơ quan thống kê Liên hiệp quốc) thì đối với mặt hàng nhựa, Việt Nam là nước có khả năng thâm nhập thị trường tương đối tốt và được hưởng mức thuế thấp hoặc được đối xử ngang bằng như các nước XK khác ở hầu hết các thị trường XK. Bên cạnh đó, mặt hàng nhựa của Việt Nam hiện đang được đánh giá là có khả năng cạnh tranh cao, tiếp cận được với công nghệ sản xuất hiện đại của thế giới và được thị trường chấp nhận.

Vấn đề lớn nhất đặt ra là khả năng đáp ứng các yêu cầu từ phía nhà NK (chủ yếu về mặt số lượng và chủng loại sản phẩm) còn khá hạn chế. Do vậy, nếu có thể giải quyết được vấn đề nguyên liệu đầu vào, mẫu mã sản phẩm cũng như đáp ứng được những đơn hàng lớn, mặt hàng nhựa của Việt Nam hoàn toàn có khả năng XK với qui mô lớn do nhu cầu của thế giới về mặt hàng này rất cao (năm 2006 ở mức trên 220 tỉ USD và tăng trưởng bình quân NK trên 7%/năm).

Với những thuận lợi như vậy, dự kiến XK sản phẩm nhựa năm 2008 đạt kim ngạch 1 tỉ USD, tăng 42,9% so với năm 2007. Có thể nói đây là một trong những chỉ tiêu khá cao so với sự tăng trưởng của các mặt hàng. Nhất là bên cạnh những tiềm năng nêu trên thì sản phẩm nhựa cũng vẫn còn không ít những hạn chế.

Theo Hiệp hội Nhựa, sự phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào luôn là thách thức lớn đối với các DN ngành nhựa. Hiện mỗi năm ngành nhựa có nhu cầu từ 1,4 – 1,5 triệu tấn nguyên phụ liệu trong khi Việt Nam chỉ có thể đáp ứng được khoảng 300.000 tấn. Các sản phẩm nhựa XK của Việt Nam vẫn phải thông qua trung gian vì các DN trong ngành nhựa chưa có chiến lược xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và chưa thâm nhập trực tiếp vào hệ thống phân phối hay mở hệ thống bán hàng tại các nước. Bởi vậy giá trị gia tăng chưa cao.

Số lượng các DN trong ngành tuy lên tới 1.400 DN nhưng chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, tính liên kết ngành còn yếu. Do vậy, trước mắt, các DN trong ngành cần liên kết, hợp tác với nhau để thực hiện được các hợp đồng lớn, lâu dài; tập trung đầu tư mạnh cho sản xuất từ trang thiết bị máy móc hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến của các nước trên thế giới vào sản xuất, phát triển các sản phẩm nhựa kỹ thuật cao, sản phẩm bao bì nhựa phục vụ XK, đặc biệt là các loại bao bì có thể dùng nhiều lần, bao bì tự hủy bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, cần đầu tư vào các nhóm hàng có lợi thế cạnh tranh, coi trọng phát triển thị trường trong nước, sản phẩm có yếu tố khoa học cao, công nghệ cao và sản xuất tư liệu sản xuất đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng các sản phẩm phục vụ nội địa hóa trong ngành ô tô, xe máy, điện tử…, phục vụ XK, sản xuất nông nghiệp và hạ tầng cấp thoát nước, các sản phẩm nhựa tiêu dùng, đò chơi trẻ em…

Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường NK chủ yếu sản phẩm nhựa của Việt Nam hiện nay là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Campuchia, Đài Loan, Philipin, Hàn Quốc, Australia, Pháp, Malaysia… các DN cần tiếp cận tới thị trường các nước thành viên mới của EU như Lithuania, Cộng hòa Séc, Estonia, Hungary, Ba Lan và các nước châu Phi, Trung Đông. Đây là những thị trường hứa hẹn sự tăng trưởng kim ngạch XK.(Nguồn: BaoThuongMai, 16/1)


Tin tức


Giới thiệu

Liên hệ

Long Giang Plastic
26/6, đường số 12 - Phường Tam Bình - Quận Thủ Đức - Thành Phố Hồ Chí Minh.
0903.772.689