Theo số liệu thống kê, ước tính kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa trong tháng 2/2009 đạt 60 triệu USD, tăng 14% so với tháng 01/2009 và tăng 29% so với tháng 02/2008. Tính cả 2 tháng đầu năm 2009 đạt 120 triệu USD, giảm 2,08% so với cùng kỳ năm 2008. Sản phẩm nhựa nước ta được xuất khẩu đi 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó nước chiếm thị phần cao nhất là Nhật, Mỹ, EU…
Theo đánh giá của Cơ quan thống kê Liên hiệp Quốc (Comtrade), tuy đang bước vào giai đoạn khó khăn, nhưng các sản phẩm nhựa của Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế so với các nước xuất khẩu đồ nhựa khác. Các mặt hàng nhựa của Việt Nam có khả năng thâm nhập thị trường tương đối tốt, được đánh giá có khả năng cạnh tranh cao, nhạy bén trong việc tiếp vận với công nghệ sản xuất hiện đại.
Trước đây, nói đến sản phẩm nhựa , các nhà nhập khẩu đều nghĩ tới Trung Quốc nhưng trong thời gian gần đây lại chuyển hướng sang Việt Nam do không muốn lệ thuộc vào một nước. Đây chính là thời cơ vàng cho ngành nhựa trong nước đối với những thị trường rộng lớn như Mỹ , Nhật, EU…
Bất cập lớn nhất của ngành nhựa hiện nay là không đáp ứng được các đơn hàng lớn, với chủng loại sản phẩm đa dạng. Tuy nhiên, nếu giải quyết được vấn đề nguyên liệu đầu vào, đáp ứng các đơn hàng lớn thì ngành nhựa có khả năng xuất khẩu với quy mô lớn do nhu cầu thế giới về mặt hàng này hiện vẫn rất cao. Trong 3 năm qua, nhựa là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhất của Việt Nam, mới mức tăng trưởng trên 30% /năm.
Trong năm 2009, các doanh nghiệp sẽ tiệp tục bám sát thị trường xuất khẩu truyền thống. Ngoài ra, thị trường nội địa là một mảnh đất màu mỡ mà bấy lâu nay các doanh nghiệp trong nước thường hay lơ là nay sẽ được khai thác tích cực, để có thể chiếm lĩnh và hạn chế tối đa sự thâm nhập hàng nhựa từ nước ngoài tràn vào đặc biệt hàng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, khó khăn do phải phụ thuộc vào nguyên liệu nên giá bán của doanh nghiệp Việt Nam luôn cao hơn Trung Quốc, Ấn Độ 10 – 15%. Hết năm 2008, các doanh nghiệp nhựa đã phải nhập khẩu tới hơn 1,7 triệu tấn nguyên liệu với gần 3 tỷ USD. Điều này cho thấy tuy mặt hàng nhựa trong nước có mức tăng trưởng tốt nhưng trên thị trường quốc tế còn thiếu tính cạnh tranh.
Tình hình biến động giá cả nguyên liệu, đặc biệt là khủng hoảng tài chính những tháng cuối năm 2008 đã ảnh hưởng tới hoạt đống ản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhựa. Hiện nay, hầu như các doanh nghiệp nhựa đều phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân công (trung bình toàn ngành 10%), siết chặt quản lý… Thậm chí một số doanh nghiệp buộc phải phá sản do không lường trước được giá nguyên liệu giảm mạnh từ 2.000 USD/tấn xuống còn 800 USD/tấn.
Ngoài những yếu tố lạc quan, những tác động bất lợi của khủng hoảng tài chính toàn cầu, đặc biệt là xu hướng chuyển dịch trong sản xuất của thị trường nhựa thế giới. Hiện bao bì chiếm hơn 70% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành nhựa. Song, ngành công nghiệp xe hơi đang đứng trước nguy cơ “đóng băng”, tại một số thị trường nhập khẩu bao bì Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản… các doanh nghiệp đang thu hẹp sản xuất các sản phẩm nhựa cho ngành công nghiệp xe hơi và chuyển hướng sản xuất các sản phẩm bao bì phục vụ tiêu dùng và thực phẩm. Đây sẽ là một thách thức cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực bao bì.
Mặt khác, trong lúc nền kinh tế khó khăn, để bảo vệ doanh nghiệp trong nước, nhiều quốc gia sẽ xem xét đến việc dựng lên các hàng rào kỹ thuật như áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng đối với sản phẩm nhập khẩu, các loại thuế nhâp khẩu, kiện chống bán phá giá… để bảo vệ nền sản xuất trong nước.
Với ngành nhựa, khó khăn không ở đâu xa mà chính là sự cạnh tranh của doanh nghiệp nhựa Trung Quốc. Trong vài năm gần đây, ngành nhựa Trung Quốc đã có sự bứt phá mãnh liệt. Các doanh nghiệp Trung Quốc có sự liên kết chặt chẽ khi sẵn sàng đầu tư cho một doanh nghiệp với đầy đủ tiềm lực tài chính để đại diện cho hàng ngàn doanh nghiệp đi đàm phán mua nguyên liệu giá rất rẻ, sau đó về phân bố lại cho doanh nghiệp. Còn ở Việt Nam thì ngược lại, từ khâu tìm kiếm, mua nguyên liệu cho đến sản xuất, phân phối thì doanh nghiệp tự làm.
Trong năm 2009, doanh nghiệp nhựa cần phải lưu ý đến tác động xấu ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu. Đó là khả năng lưu chuyển tiền tệ của mỗi doanh nghiệp trong quá trình sản xuất cũng như xu hướng chuyển dịch mới của thị trường thế giới gây bất lợi cho doanh nghiệp nhựa xuất khẩu.
Chính vì vậy, trong thời điểm hiện nay các doanh nghiệp nhựa nên tận dụng cơ hội để đầu tư đổi mới trang thiết bị, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ khi sẵn sàng đầu tư cho một doanh nghiệp với đầy đủ tiềm lực tài chính để đại diện cho hàng ngàn doanh nghiệp đi đàm phán mua nguyên liệu với giá rẻ, sau đó về phân bố lại cho doanh nghiệp.