Ngành nhựa Việt Nam - Sẽ hết khát nguyên liệu

Việc hình thành các nhà máy tái chế phế liệu nhựa sẽ là bước khởi đầu trong nỗ lực giảm bớt gánh nặng khó khăn về nguyên liệu cho doanh nghiệp. Duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 15-20%, suốt hơn 10 năm qua, ngành nhựa Việt

Việc hình thành các nhà máy tái chế phế liệu nhựa sẽ là bước khởi đầu trong nỗ lực giảm bớt gánh nặng khó khăn về nguyên liệu cho doanh nghiệp.

Duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 15-20%, suốt hơn 10 năm qua, ngành nhựa Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Nhưng trước thực trạng thị trường nhiều biến động khó lường như hiện nay, không ít doanh nghiệp và nhà quản lý đang lao đao với bài toán đầu vào nguyên liệu.

Gần 90% nguyên liệu phải nhập khẩu

Ngành nhựa cả nước có khoảng 2.200 doanh nghiệp, trong đó hơn 80% tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh và chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân nhỏ, quy mô gia đình với năng lực cạnh tranh yếu.
Theo kết quả khảo sát của các ngành chức năng, hiện có đến hơn 90% doanh nghiệp chủ yếu làm gia công và chưa chủ động được nguồn nguyên liệu.

Ông Vũ Xuân Mừng, Phó trưởng Cơ quan đại diện Bộ Công Thương tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chi phí nguyên liệu chiếm 70-80% giá thành sản phẩm nên việc biến động tỷ giá hối đoái đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Thách thức lớn nhất của ngành hiện nay là nguồn cung nguyên liệu 80-90% từ nước ngoài, tương đương với khoảng 2,1 tỷ USD/năm.


Từ năm 2008 đến nay, ngành nhựa phải gồng mình hứng chịu nhiều đợt tăng giá nguyên liệu đã tác động không nhỏ đến công việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong hơn 11 tháng năm 2009, ngành nhựa đã nhập hơn 2 triệu tấn nguyên liệu nhựa, với tổng giá trị gần 2,5 tỷ USD.

Do quá phụ thuộc vào nguyên liệu nên giá bán của doanh nghiệp Việt Nam luôn cao hơn Trung Quốc, Ấn Độ khoảng 10-15%. Hiện cả nước mới chỉ có khoảng 3 nhà máy sản xuất nguyên liệu cho ngành nhựa với tổng công suất mỗi năm khoảng 250.000 tấn PVC và 150.000 tấn nguyên liệu DOP.

Do nguyên liệu sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu, nên hàng năm ngành vẫn phải nhập khẩu 1,6-2 triệu tấn các loại nguyên liệu khác.

"Tuy nhiên do đa số các loại nguyên liệu nhựa đều được sản xuất từ dầu khí nên giá chịu tác động trực tiếp từ các cơn địa chấn giá của các mặt hàng này. Không những thụ động về đầu vào, doanh nghiệp còn chịu sự biến động không ngừng về giá", ông Mừng lý giải.

Lối ra - nguồn phế liệu nhựa trong nước

Sớm nắm được yếu tố không bền vững này, quy hoạch tổng thể ngành nhựa giai đoạn 2000-2010, Bộ Công Thương đã đưa việc phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu cho ngành nhựa là 1 trong 3 chương trình trọng điểm.
Theo đó, việc hình thành các nhà máy tái chế phế liệu nhựa sẽ là bước khởi đầu trong nỗ lực giảm bớt gánh nặng khó khăn về nguyên liệu cho doanh nghiệp.

"Nguồn phế liệu nhựa trong nước rất dồi dào nhưng chúng ta vẫn chưa tận dụng được. Nguyên nhân là do hệ thống thu gom nhỏ lẻ, không tập trung; phế liệu hầu như không được xử lý và phân loại theo đúng quy cách; công nghệ lạc hậu...", ông Nguyễn Khắc Long, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần nhựa Việt Nam nói.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, hiện giá nhập hạt nhựa PET khoảng 1.300 USD/tấn, nếu tái sinh được từ chính nguồn phế liệu thì giá thành sẽ giảm được gần 30%.

Khác với thời gian trước đây, tỷ lệ tái sinh hạt tái sinh pha với nhựa nguyên sinh thường chỉ đạt dưới mức 20%, hiện tỷ lệ đó đã tăng lên gấp 3-4 lần.

Ngoài ra, với công nghệ tiên tiến trên thế giới đã cho phép tăng cường khả năng cạnh tranh do hạn chế được các khoản phát sinh trong sản xuất như điện năng tiêu hao, nhân công...

Theo ông Long, ở Việt Nam, chỉ tính mức tận dụng từ 35-50% nguyên liệu nhựa tái sinh sẽ góp phần tiết kiệm hơn 600 triệu USD mỗi năm cho doanh nghiệp, đồng thời cũng tăng được 25% kim ngạch xuất khẩu của ngành.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, nhiều doanh nghiệp đang xem việc sử dụng nhựa tái chế đóng vai trò như nguồn cung cấp nguyên, nhiên liệu giá rẻ trong việc hạ giá thành sản phẩm.

Khảo sát của các doanh nghiệp, với việc sử dụng phế liệu nhựa làm cho giá nguyên liệu đầu vào giảm khoảng 30% sẽ góp phần giảm giá thành sản phẩm hơn 15%, tăng được tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.

"Ngoài ra đối với nhiều khách hàng khó tính như Mỹ, Nhật Bản... họ còn yêu cầu sản phẩm nhựa xuất khẩu phải sử dụng tối thiểu 10% nhựa tái sinh để hạ giá bán và sản phẩm thân thiện với môi trường", ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.



Description

Contact

Long Giang Plastic
26/6, đường số 12 - Phường Tam Bình - Quận Thủ Đức - Thành Phố Hồ Chí Minh.
0903.772.689